Bị Nhức Đầu Thường Xuyên: Cách Khỏi Đau Nhanh, An Toàn, Hiệu Qủa

5/5 - (2 bình chọn)

Đau đầu là triệu chứng khá phổ biến, có thể gặp ở mọi lứa tuổi và thường là biểu hiện sinh lý không đáng lo ngại. Tuy nhiên, việc bị nhức đầu thường xuyên kèm theo cảm giác mệt mỏi, cơ thể yếu… đôi khi lại là “hồi chuông” cảnh báo vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Do vậy mỗi người cần tìm hiểu kỹ lưỡng về tình trạng này, tuyệt đối không được chủ quan.

Nguyên nhân bị nhức đầu thường xuyên

Đau đầu là phản ứng của hệ thần kinh trong hoặc ngoài sọ khi có kích thích. Những kích thích này có thể bao gồm: Thiếu máu, viêm nhiễm, sự xâm lấn khối u, xoắn vặn mạch máu,… Cơ chế gây đau đầu thường liên quan đến 2 con đường:

  • Tổn thương thực thể làm tăng sinh chất trung gian hóa học, tác động lên thụ thể giảm đau, làm phát sinh triệu chứng đau nhức đầu. Những chất trung gian thường gặp là: Prostaglandin, Kinin, Serotonin.
  • Tổn thương thực thể kích thích cơ học lên thụ thể giảm đau. Chẳng hạn như sự xoắn vặn hoặc căn giãn mạch máu, phù nề mạch máu…
Bị nhức đầu thường xuyên gây ra nguyên nhân do đâu
Các nguyên nhân gây nên tình trạng đau nhức đầu khá đa dạng

Từ cơ chế đó, có thể xác định tới hơn 70 nhóm nguyên nhân khiến đầu bị đau nhức thường xuyên, song chủ yếu là căn nguyên lành tính. Dưới đây là một số nguyên nhân khiến nhiều người bị nhức đầu thường xuyên mà không do bệnh lý:

  • Stress: Những áp lực từ công việc, học tập, cuộc sống thường ngày có thể gây đau đầu căng thẳng. Nếu do nguyên nhân này, cơn đau đầu sẽ diễn biến từ nhẹ đến nặng, đau âm ỉ rồi liên tục đau ở hai bên đầu, không kèm triệu chứng khác. Khi không được điều trị, tình trạng có thể chuyển biến thành đau đầu mãn tính.
  • Thói quen ăn uống: Nhóm thực phẩm/đồ uống nhiều chất bảo quản, chất kích thích như phô mai, cà phê, socola, rượu bia… cũng có thể gây đau đầu. Nếu sử dụng thường xuyên, lạm dụng cơn đau đầu kéo dài sẽ xuất hiện, tái diễn nhiều lần.
  • Cơ thể thiếu nước/mất nước: Đôi khi, đau đầu cũng là dấu hiệu cho thấy cơ thể không được cung cấp đủ lượng nước cần thiết.
  • Sự thay đổi hormone: Chu kỳ kinh nguyệt, thai kỳ có thể làm thay đổi hormone. Đây là nguyên nhân khiến chị em bị nhức đầu thường xuyên, cơ thể mệt mỏi.
  • Tác dụng phụ của thuốc: Một số loại thuốc có thể gây ra những cơn đau đầu, tình trạng này sẽ chấm dứt khi ngừng thuốc hoặc đổi sang thuốc an toàn hơn.
  • Di chứng chấn thương/ tai nạn: Với những chấn thương nhẹ như va đập hoặc tai nạn chấn thương sọ não đều gây đau đầu. Dù những chấn thương trước đó đã hồi phục nhưng bệnh nhân vẫn bị đau đầu kéo dài, kèm theo một số di chứng như giảm trí nhớ, mất tập trung, rối loạn tâm trạng…

Ngoài những nguyên nhân trên, việc ngủ không đủ giấc, mất ngủ thường xuyên… cũng có thể khiến cơn đau đầu kéo dài dai dẳng, cơ thể uể oải mệt mỏi.

Nhức đầu thường xuyên là biểu hiện bệnh gì?

Cơn đau đầu được chia làm 2 loại chính: Đau đầu nguyên phát không do bệnh lý, chủ yếu liên quan đến căng thẳng. Đau đầu thứ phát là triệu chứng cảnh báo bệnh lý, thậm chí là vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.

Nếu bị nhức đầu thường xuyên, liên tục kèm theo những triệu chứng bất thường bệnh nhân tuyệt đối không nên chủ quan:

Đột quỵ

Tiền đột quỵ do xuất huyết não và tắc nghẽn mạch máu não là một trong những căn nguyên phổ biến khiến người bệnh bị đau đầu dai dẳng. Bên cạnh cơn đau đầu dữ dội không rõ nguyên nhân, người bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng: Mất thăng bằng, rối loạn thị giác, mất cảm giác một nửa bên cơ thể… Khi không được phát hiện và can thiệp sớm, bệnh nhân dễ đối mặt với nhiều biến chứng trầm trọng, thậm chí là tử vong.

Bị nhức đầu thường xuyên có thể là dấu hiệu sớm đột quỵ
Đau đầu có thể là dấu hiệu sớm của đột quỵ

Não có khối u

Nếu bạn bị nhức đầu thường xuyên, kèm theo các triệu chứng: Thị lực suy giảm, mất trí nhớ, thay đổi cảm xúc đột ngột, co giật, nôn mửa,…. thì rất có thể trong não xuất hiện khối u. Tuy không phải tất cả các trường hợp u não đều là ác tính nhưng sự tồn tại của chúng luôn gây áp lực lên các bộ phận của não, dẫn đến đau đầu triền miên.

Sự xuất hiện của khối u trong não, được chia làm 2 trường hợp: U lành tính và u ác tính (ung thư). Cả 2 bệnh lý này đều gây ảnh hưởng đến các tế bào não, làm tổn thương và đe doạ tính mạng của bệnh nhân khi không được phát hiện sớm, can thiệp phù hợp.

Nhiễm trùng não, màng não

Nhiễm trùng não và màng não là bệnh lý cực kỳ nguy hiểm. Bởi màng não là lớp màng mỏng bao quanh não, tuỷ sống nếu bị viêm nhiễm sẽ gây nên viêm màng não. Nguyên nhân chủ yếu làm phát sinh tình trạng y tế này là do virus, vi khuẩn, nấm hoặc ký sinh trùng.

Bệnh thường được phát hiện với các triệu chứng điển hình: Đau đầu đột ngột, cơn đau trở nên dữ dội, mất khả năng tập trung, nhạy cảm ánh sáng, buồn nôn, cứng cổ, đau lưng, tim đập nhanh… một số trường hợp còn bị sốt cao.

Viêm xoang

Bị nhức đầu thường xuyên có thể là dấu hiệu của viêm xoang. Đây là bệnh lý gây viêm các xoang cạnh mũi do sự xuất hiện ở virus, vi khuẩn hoặc nấm, đôi khi là các phản ứng dị ứng.

Với bệnh lý này, cơn đau thường xuất hiện ở vùng trán, lan ra cánh mũi, sau hốc mắt, nghẹt mũi khó thở, nước mũi chảy nhiều… đôi khi kèm theo sốt. Khi không được can thiệp, điều trị kịp thời bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng ở mắt, nội sọ, mạch máu, tai, xương,… thậm chí là toàn thân.

Bị nhức đầu thường xuyên cùng nhiều triệu chứng đi kèm
Viêm xoang gây đau đầu cùng nhiều triệu chứng đi kèm

Tăng nhãn áp

Tăng nhãn áp (IOP) là hiện tượng áp lực trong mắt cao hơn bình thường dù không xuất hiện tổn thương dây thần kinh thị giác. Bệnh lý này có thể xảy ra ở cả 2 mắt, nếu tăng nhãn áp 1 bên có nghĩa là áp lực nội nhãn chỉ cao ở một mắt.

Nếu bệnh nhân bị tăng nhãn áp và không điều trị kịp thời có thể gây ra những cơn đau đầu kéo dài. Mức độ đau đầu có xu hướng ngày càng gia tăng, kèm với đó là các triệu chứng như đau mắt, chảy nước mắt, mi nề, sợ ánh sáng, giảm hoặc mất thị lực… Lâu dần bệnh làm tổn thương dây thần kinh thị lực, gây mù loà.

Đau nửa đầu Migraine

Chứng Migraine cũng là nguyên nhân khá phổ biến liên quan đến tình trạng bị nhức đầu thường xuyên. Cơn đau đầu Migraine chỉ xuất hiện ở nửa đầu, có thể kéo dài trong vài giờ nhưng đôi khi cũng diễn ra trong 2-3 ngày. Tình trạng này thường đi kèm với các triệu chứng: Nhạy cảm ánh sáng, tiếng ồn, nôn và buồn nôn.

Cho đến nay, nguyên nhân chính xác gây ra Migraine vẫn chưa được khẳng định. Song các yếu tố được cho là có liên quan gồm: Thay đổi nội tiết, stress, ăn uống, thay đổi thời tiết…

Thiếu máu nặng

Tình trạng thiếu máu làm phát sinh các cơn đau đầu kèm hoa mắt, chóng mặt, mệt mỏi, khó thở, chán ăn, mất tập trung… Bên cạnh đó bạn cũng nhận thấy da dẻ xanh xao, kinh nguyệt rối loạn, mất kinh, móng tay dễ gãy, tóc rụng nhiều…

Trường hợp bị thiếu máu nặng nhưng không được can thiệp có thể dẫn đến nhiều biến chứng như:

  • Rối loạn nhịp tim, thậm chí là suy giảm chức năng tim.
  • Giảm hoặc mất vĩnh viễn khả năng sinh hoạt, làm việc, thường xuyên ngất xỉu đột ngột.
  • Thiếu máu ở phụ nữ mang thai tiềm ẩn nguy cơ sảy thai, sinh non.
  • Đe dọa tử vong, nhất là khi đột ngột mất lượng máu lớn (tai nạn, chấn thương) chỉ trong thời gian ngắn mà cơ thể chưa thể bù đắp kịp.

Một số bệnh lý khác

Bên cạnh những nguyên nhân trên, việc bị đau đầu kéo dài trong nhiều ngày có thể do một số bệnh lý khác gây nên như: 

  • Béo phì: Có liên quan đến các hormone vùng dưới đồi của não và sự tích tụ các tế bào mỡ trong cơ thể.
  • Dị dạng mạch máu: Chèn ép não, gây xuất huyết não hoặc xuất huyết khoang dưới nhện làm phát sinh tổn thương vĩnh viễn.
  • Tiểu đường: Không phải tất cả các bệnh nhân tiểu đường đều bị đau đầu nhưng đây lại là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang gặp vấn đề trong việc kiểm soát lượng đường.
  • Tăng huyết áp: Bệnh làm cho áp lực máu lên thành mạch tăng, khiến thành mạch giãn nở và xuất hiện các tổn thương. Khi đó sẽ gây nên hiện tượng đau đầu.
  • Lupus ban đỏ: Bệnh gây đau đầu, chóng mặt, ảo giác, một số trường hợp bị động kinh, thậm chí là đột quỵ.
Bị nhức đầu thường xuyên có thể do tăng huyết áp gây ra
Tăng huyết áp có thể là nguyên nhân khiến bạn bị nhức đầu thường xuyên

Mức độ nguy hiểm khi bị nhức đầu thường xuyên

Bị nhức đầu thường xuyên khiến cơ thể mệt mỏi, ít nhiều ảnh hưởng đến sức khoẻ và làm giảm sút chất lượng cuộc sống. Tuy đa phần các cơn đau đầu là lành tính và thường không liên quan đến bệnh lý nhưng mỗi người tuyệt đối không nên chủ quan, bởi trong một vài trường hợp đây lại là dấu hiệu cảnh báo vấn đề nghiêm trọng nào đó. 

Để tránh biến chứng nguy hiểm do đau đầu kéo dài, hãy lập tức tới bệnh viện kiểm tra nếu nhận thấy:

  • Những cơn đau ngày càng nghiêm trọng: Khi cơn đau với mức độ ngày càng gia tăng có thể là dấu hiệu cảnh báo vỡ mạch máu não, hoặc tình trạng y tế nguy hiểm cần can thiệp sớm.
  • Cơn đau có sự thay đổi: Nếu trước đây đã từng bị đau đầu nhưng cơn đau ở thời điểm hiện tại có sự thay đổi về mức độ, tần suất bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ.
  • Đau đầu kèm triệu chứng khác: Cơn đau đầu dai dẳng kèm theo hoa mắt, mất thị lực, khó nói, nôn mửa, mất thăng bằng, tê một bên cơ thể, sốt, cứng cổ, đau hơn khi ho hoặc cử động…
  • Sau chấn thương: Sau khi tai nạn, va chạm mạnh, bị chấn thương ở đầu… dù sức khỏe đã hồi phục, các tổn thương da đã lành lại nhưng cơn đau đầu vẫn thường xuyên xuất hiện bạn nên đến bệnh viện để kiểm tra.

Chẩn đoán tình trạng bị nhức đầu thường gặp

Bị nhức đầu thường xuyên có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên. Vì vậy việc chẩn đoán được thực hiện thông qua các xét nghiệm, chụp chiếu hình ảnh để đi đến kết luận cuối cùng và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.

Quy trình thăm khám, chẩn đoán đau đầu thường xuyên sẽ gồm các bước sau:

Bước 1: Thăm hỏi bệnh án

Bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân mô tả chi tiết triệu chứng đau đầu, thời gian bắt đầu, tần suất, đặc điểm cơn đau, vị trí đau, mức độ đau, thời gian kéo dài. Đồng thời khai thác thêm các triệu chứng đi kèm. 

Bước 2: Khám lâm sàng

Bệnh nhân được kiểm tra huyết áp, mắt, nhịp tim và kiểm tra thị lực.

Bước 3: Chụp hình và cận lâm sàng

Các chẩn đoán cận lâm sàng có thể được chỉ định bao gồm:

  • Chụp cắt lớp vi tính (CT scan): Mục đích là tìm ra khối u, ổ viêm, tình trạng chảy máu hoặc một số vấn đề khác trong não.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Thu thập hình ảnh rõ nét hơn về não, phát hiện sớm các vấn đề về u não, viêm màng não, dị dạng mạch máu não hoặc những nguy cơ khác về mạch máu.
  • Chụp X-quang xoang: Kiểm tra, chẩn đoán viêm xoang.
  • Kiểm tra dịch não tủy: Mục đích là phát hiện dấu hiệu viêm màng não, nhiễm trùng hoặc những vấn đề khác ở não làm phát sinh tình trạng đau đầu.

Bước 4: Chẩn đoán loại trừ

Trong trường hợp những xét nghiệm, chẩn đoán phía trên không tìm được nguyên nhân gây đau đầu thường xuyên bác sĩ sẽ tiếp tục chẩn đoán nhằm loại trừ những bệnh lý khác cho đến khi làm rõ được căn nguyên cụ thể.

Chẩn đoán tình trạng bị nhức đầu thường xuyên
Việc chẩn đoán chính xác nguyên nhân giúp đưa ra phác đồ phù hợp

Biện pháp khắc phục khi bị nhức đầu thường xuyên

Thường xuyên bị đau nhức đầu gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống của mỗi người. Tùy thuộc vào nguyên nhân gây nên tình trạng này mà biện pháp khắc phục tương ứng sẽ được áp dụng.

Trong đó, một số giải pháp mà bệnh nhân có thể tham khảo khi bị nhức đầu thường xuyên gồm:

Xây dựng lối sống lành mạnh

Với những bệnh nhân thường xuyên đau đầu, việc xây dựng lối sống lành mạnh vô cùng quan trọng. Vì vậy, mỗi người cần chủ động ngủ đủ giấc, đúng giờ và đảm bảo khoa học, nếu thiếu ngủ cơ thể sẽ vô cùng mệt mỏi và dĩ nhiên cơn đau đầu lại tiếp diễn.

Bên cạnh đó, mỗi người cần tránh ăn quá nhiều thực phẩm chứa tyramine – loại axit amin gây đau đầu như: Phô mai, rượu vang đỏ, hạnh nhân, cà chua, chuối… Đồng thời cần tránh sử dụng caffein, thực phẩm có cồn hoặc thức ăn giàu muối.

Để cải thiện cơn đau đầu, bệnh nhân có thể vận động thường xuyên với các bài tập thể dục, đi bộ, yoga vừa sức… Hãy duy trì thói quen này 3-4 lần/tuần, mỗi lần kéo dài 20–30 phút.

Giải tỏa stress

Stress, căng thẳng trong thời gian dài là một trong những nguyên nhân phổ biến khiến nhiều người bị nhức đầu thường xuyên. Vì vậy, việc mà mỗi bệnh nhân cần làm là học cách quản lý căng thẳng, từng bước đẩy lùi chúng.

Bạn có thể giải tỏa căng thẳng, stress bằng việc tập yoga, thiền, massage, nghe nhạc, đọc sách, xem phim giải trí… hoặc bất cứ hoạt động vui chơi nào khiến bạn cảm thấy thoải mái, vui vẻ.

Trong một vài trường hợp, nếu quá căng thẳng bạn có thể tìm đến các bác sĩ trị liệu. Đây là cách xử lý cơn đau đầu do yếu tố tâm lý tương đối hiệu quả.

Bị nhức đầu thường xuyên cần phải duy trì tâm trạng thoải mái
Mỗi người nên duy trì tâm trạng thoải mái để giảm bớt cơn đau đầu

Sử dụng thuốc

Một số loại thuốc giảm đau như Paracetamol hoặc Ibuprofen sẽ giúp giảm đau đầu nhẹ. Đây là những thuốc đau đầu không kê đơn, tuy nhiên bệnh nhân vẫn cần sử dụng theo hướng dẫn của bác sĩ, nhất là trong trường hợp đau đầu kéo dài thì không được tự ý dùng.

Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể sử dụng thuốc kê đơn đặc trị cho bệnh nhân đau nửa đầu, thuốc chống lo âu, chống trầm cảm… nếu bị đau đầu dai dẳng do căng thẳng, mất ngủ. Song việc sử dụng thuốc nào, liều lượng bao nhiêu, trong thời gian bao lâu cần có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Kích thích từ trường xuyên sọ

Kích thích từ trường xuyên sọ là phương pháp cải thiện cơn đau đầu kéo dài khá phổ biến. Kỹ thuật này sử dụng máy kích thích từ trường để tạo ra sóng điện từ đi xuyên qua xương sọ với công suất dao động trong khoảng 3.000 đến 8.000 ampe.

Đây là phương pháp điều trị không xâm lấn, không gây đau đớn và giúp bệnh nhân giảm phụ thuộc thuốc đáng kể. Tuy nhiên, không phải cơ sở y tế nào cũng đủ trình độ chuyên môn, máy móc để thực hiện nên bệnh nhân cần tham khảo trước và tìm đến địa chỉ uy tín.

Một số phương pháp khác

Bên cạnh việc sử dụng thuốc hoặc áp dụng các biện pháp hỗ trợ phía trên, bệnh nhân cũng có thể tham khảo hình thức massage, bấm huyệt, châm cứu để đẩy lùi cơn đau đầu. Ngoài ra, bạn có thể uống một số loại trà thảo dược như trà hoa cúc, trà táo đỏ, trà đông trùng hạ thảo… để điều dưỡng cơ thể, xoa dịu cơn đau.

Một số loại trà thảo dược giúp giảm tình trạng bị nhức đầu thường xuyên
Một số loại trà thảo dược giúp giảm đáng kể tình trạng đau đầu

Phòng tránh bị nhức đầu hiệu quả

Ngay cả những cơn đau đầu lành tính, không bệnh lý cũng ảnh hưởng khá lớn đến tinh thần và sức khỏe của mỗi người. Do vậy, hãy chủ động phòng tránh bằng việc áp dụng những biện pháp dưới đây:

  • Luôn thư giãn tinh thần, sống lạc quan, tránh căng thẳng stress. Nếu công việc, học tập quá căng thẳng bạn nên tìm cách cân bằng nhằm giảm bớt những áp lực để tránh ảnh hưởng đến tinh thần, gây đau đầu thường xuyên.
  • Ăn uống khoa học, tránh xa chất kích thích, đặc biệt là thuốc lá, rượu bia, cà phê, các loại đồ uống có cồn…
  • Chú ý ngủ đủ giấc và hạn chế thức khuya, mỗi ngày nên đảm bảo ngủ đủ 7-8 tiếng và tránh thức sau 11 giờ đêm.
  • Tham gia vận động, thể dục thể thao điều độ vừa sức với một số môn như cầu lông, đi bộ, yoga, thiền, bơi lội… hoặc lựa chọn theo sở thích cá nhân.
  • Uống đủ 1,5-2 lít nước mỗi ngày hoặc uống theo nhu cầu cơ thể.
  • Bổ sung đầy đủ vitamin, khoáng chất thiết yếu giúp cơ thể khỏe mạnh.

Bị nhức đầu thường xuyên không phải là triệu chứng quá hiếm gặp. Tuy đa số các trường hợp gặp phải tình trạng này đều là lành tính nhưng ở một số bệnh nhân đây lại là dấu hiệu cảnh báo vấn đề sức khỏe nguy hiểm. Do vậy, mỗi người tuyệt đối không được chủ quan, nhất là khi bị đau đầu kèm theo hoa mắt, chóng mặt, yếu cơ, vận động kém, thị lực giảm hoặc mất hoàn toàn.

Đánh giá bài viết

5/5 - (2 bình chọn)

Lương y Đỗ Minh Tuấn

Tôi là Đỗ Minh Tuấn, thầy thuốc y học cổ truyền. Tôi thích đọc sách, thích trồng cây, thích tìm hiểu về cây thuốc và kiến thức YHCT. Cảm ơn bạn đã ghé thăm blog của tôi. Tôi rất mong đọc được các bình luận góp ý từ các bạn
Dấu Hiệu Có Thai Tim Đập Nhanh Và Những Điều Thai Phụ Cần Biết

Dấu Hiệu Có Thai Tim Đập Nhanh Và Những Điều Thai Phụ Cần Biết

Dấu Hiệu Có Thai Tim Đập Nhanh Và Những Điều Thai Phụ Cần Biết

Đau Bụng Kinh Ra Máu Đen Là Hiện Tượng Gì? Có Nguy Hiểm Không?

Đau Bụng Kinh Ra Máu Đen Là Hiện Tượng Gì? Có Nguy Hiểm Không?

Đau Bụng Kinh Ra Máu Đen Là Hiện Tượng Gì? Có Nguy Hiểm Không?

đau nhức tai bên trái

Đau Nhức Tai Bên Trái: Cách Xử Trí Đơn Giản Và An Toàn Nhất

Đau Nhức Tai Bên Trái: Cách Xử Trí Đơn Giản Và An Toàn Nhất

Hướng Dẫn Cách Làm Tan Máu Bầm Ở Ngón Tay Hiệu Quả Tại Nhà

Hướng Dẫn Cách Làm Tan Máu Bầm Ở Ngón Tay An Toàn Hiệu Quả

Hướng Dẫn Cách Làm Tan Máu Bầm Ở Ngón Tay An Toàn Hiệu Quả

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Bạn hỏi
Tôi giải đáp

1000 câu hỏi từ bạn - 1001 câu trả lời từ tôi

Zalo
Chia sẻ
Bỏ qua