Thấp khớp – Hiểu rõ bệnh lý để tầm soát sớm, tránh tàn phế

5/5 - (1 bình chọn)

Thấp khớp là bệnh lý mạn tính tiến triển nặng dần, cần được kiểm soát từ sớm. Do đó, điều quan trọng là chủ động nhận biết các triệu chứng và thăm khám cụ thể để được chẩn đoán, chữa trị kịp thời. Dưới đây là những thông tin tổng quan giúp bà con hiểu rõ hơn về bệnh lý này.

Bệnh lý thấp khớp là gì?

Thấp khớp hay còn được gọi là viêm khớp dạng thấp, là một bệnh lý tự miễn có thể gây đau khớp và tổn thương nhiều cơ quan trên cơ thể. Tình trạng này xảy ra khi hệ thống miễn dịch tấn công nhầm vào chính các mô trong cơ thể, khiến màng hoạt dịch của khớp có hiện tượng viêm dày, bị sưng phù, xơ cứng. Tổn thương tiếp theo là sự ăn mòn, phá hủy sụn khớp và đầu xương dưới sụn. Đồng thời, các gân cơ và dây chằng cũng bị giãn yếu khiến xương khớp bị dính, biến dạng và mất chức năng vận động.

Thấp khớp còn được gọi là viêm khớp dạng thấp
Thấp khớp còn được gọi là viêm khớp dạng thấp

Tình trạng viêm do thấp khớp thường xảy ra đồng thời ở nhiều khớp, phổ biến là các khớp ở bàn tay, bàn chân,… Bệnh nếu không được điều trị đúng cách sẽ có diễn tiến mạn tính với những đợt tiến triển liên tiếp khó kiểm soát. Vì vậy bà con lưu ý nên chuẩn bị cho mình những kiến thức cần thiết để kịp thời phát hiện bệnh( nếu có), từ đó có thể điều trị sớm và phòng ngừa hiệu quả.

Nguyên nhân gây ra thấp khớp

Hiện nguyên nhân gây ra thấp khớp vẫn chưa được xác định một cách rõ ràng. Vì vậy, các nhà khoa học xếp thấp khớp vào nhóm bệnh lý tự miễn do sự ảnh hưởng của các yếu tố kích hoạt sự khởi phát bệnh như:

  • Nhiễm trùng: Nhiễm trùng tác động lên hệ miễn dịch có thể gây ra tình trạng thấp khớp. Theo một số nghiên cứu, một số bệnh nhiễm trùng sau có thể làm khởi phát bệnh như nhiễm trùng đường tiết niệu với vi khuẩn Proteus mirabilis; bệnh nha chu do vi khuẩn Porphyromonas gingivalis; nhiễm khuẩn đường tiêu hóa, nhiễm virus Epstein-Barr (EBV); nhiễm Epstein-Barr,…
  • Di truyền: Viêm khớp dạng thấp là bệnh lý có tính di truyền. Nếu 1 người có người thân tiền sử bị viêm khớp dạng thấp thì khả năng mắc bệnh khá lớn. Theo thống kê, có tới 60-70% trường hợp bị thấp khớp là do di truyền.
  • Hormon: Estrogen là 1 loại hormon sinh dục nữ góp phần vào tiến trình kích hoạt thấp khớp nếu nồng độ này cao hơn mức bình thường. Do đó, theo thống kê, phụ nữ có khả năng bị viêm khớp dạng thấp cao gấp 2-3 lần đàn ông.
  • Tuổi tác: Thấp khớp có thể xảy ra ở mọi độ tuổi nhưng nguy cơ này sẽ tỷ lệ thuận với yếu tố tuổi tác, thời gian. Tuổi cao cùng sự lão hóa của cơ thể dễ kéo theo các bệnh lý xương khớp, trong đó có thấp khớp
  • Béo phì: Béo phì có thể khiến xương khớp phải chịu áp lực lớn, đồng thời cũng gây ra một số vấn đề về sức khỏe như rối loạn chuyển hóa,… Do đó, việc không kiểm soát tốt cân nặng có thể làm bùng phát hay trầm trọng thêm các triệu chứng của viêm khớp dạng thấp
  • Chấn thương: Tiền sử gặp chấn thương xương khớp như gãy xương, trật khớp, tổn thương dây chằng,… hoặc cũng có thể do yếu tố dị tật bẩm sinh
  • Các yếu tố khác: Như thường xuyên hút thuốc lá, môi trường lạnh ẩm kéo dài, ăn uống thiếu chất, stress…

Nhìn chung, không kể đến các yếu tố nguy cơ khó tránh như di truyền, tuổi tác,… nếu biết phòng ngừa hợp lý, tránh xa các yếu tố cơ giới sẽ giúp bà con có thể hạn chế được nguy cơ mắc viêm khớp dạng thấp.

Cách nhận biết thấp khớp

Thấp khớp thường khó phát hiện do bệnh có những triệu chứng khởi phát mơ hồ, một số bệnh lý xương khớp hay viêm khớp khác cũng có triệu chứng tương tự. Vì vậy, khi thấy cơ thể có một số trong các triệu chứng dưới đây, bà con cần đến cơ sở y tế chuyên khoa càng sớm càng tốt để được thăm khám và thực hiện một số xét nghiệm cần thiết:

Sưng nóng ở các khớp là một trong những biểu hiện của thấp khớp
Sưng nóng ở các khớp là một trong những biểu hiện của thấp khớp
  • Sưng nóng và đau tại các khớp, thường do sưng phần mềm hoặc tràn dịch khớp. Sưng đau, cứng khớp diễn ra liên tục cả ngày, đau nhất là về đêm và gần sáng. Tình trạng này sẽ kéo dài vài tuần đến vài tháng.
  • Tổn thương khớp có tính chất đối xứng, viêm đau lan tỏa: đầu tiên là viêm ở các vị trí khớp nhỏ ở chi như cổ tay, bàn ngón tay, cổ chân, bàn ngón chân, khớp gối…, sau đó xuất hiện ở khuỷu, vai, háng, đốt sống cổ…
  • Sốt nhẹ, thường xuyên mệt mỏi, không có sức lực, chán ăn, sụt cân,…
  • Xuất hiện hạt thấp dưới da có kích thước từ vài mm đến vài cm, gắn dính với màng xương hoặc gân. Các hạt này thường có ở các vùng da hay tỳ như khuỷu, cạnh ngón tay, ngón chân, vùng chẩm,… Tình trạng hạt dưới da xảy ra ở giai đoạn bệnh tiến triển nặng, thể huyết thanh dương tính.
  • Tổn thương mắt( viêm khô kết mạc, ngứa mắt,…), phổi( nốt dạng thấp ở nhu mô, viêm phế quản, xơ phổi kẽ lan tỏa,…), tim mạch( loạn nhịp tim, nhịp thở ngắn, viêm cơ tim,…),…
  • Bệnh kéo dài sẽ làm tăng sự lắng đọng các mô sợi trên sụn, gây phá hủy sụn, dẫn đến tình trạng hạn chế vận động và hiện tượng biến dạng các khớp viêm, gây bán trật khớp, tàn phế,… Các kiểu biến dạng gồm bàn tay gió thổi, ngón tay hình cổ cò, cổ tay hình lạc đà,…

Nhìn chung, thấp khớp là bệnh lý xương khớp khá nguy hiểm do có tỷ lệ tàn phế cao, đồng thời gây tổn thương tại khớp, ngoài khớp và ở nhiều cơ quan chức năng cơ thể như mắt, phổi, tim, thần kinh,… Do đó, khi nhận thấy các dấu hiệu lạ, bà con nên đến cơ sở y tế để được chẩn đoán chính xác và được hướng dẫn thực hiện các biện pháp điều trị phù hợp.

Chẩn đoán bệnh thấp khớp

Chẩn đoán thấp khớp sẽ dựa trên triệu chứng lâm sàng, tiểu sử bệnh lý của bệnh nhân, gia đình, đồng thời kết hợp với các kĩ thuật, xét nghiệm,… để xác định chính xác cơ chế, nguyên nhân, mức độ,… của bệnh.

Khám lâm sàng

Bệnh nhân sẽ bị nghi mắc bệnh lý viêm khớp dạng thấp nếu gặp phải 4/7 triệu chứng sau ( Theo tiêu chuẩn của Hội Thấp khớp học Hoa Kỳ (ACR )1987):

  • Xuất hiện tình trạng cứng khớp vào buổi sáng, kéo dài trên 1 giờ
  • Thường xuyên bị sưng đau tối thiểu 3 trong các khớp sau: ngón tay gần, bàn ngón, cổ tay, khuỷu, gối, cổ chân, bàn ngón chân.
  • Tình trạng sưng đau khớp đối xứng
  • Có hiện tượng hạt cứng dưới da
  • Phản ứng tìm yếu tố dạng thấp (+).
  • Hình ảnh X quang điển hình.

Xét nghiệm máu

Viêm khớp dạng thấp thường kéo theo tình trạng thiếu máu, tăng tiểu cầu, tăng tốc độ lắng máu (ERS) hoặc protein phản ứng C (CRP)… Do đó, các xét nghiệm cơ bản như tế bào máu ngoại vi, ERS, CRP…,có thể giúp bác sĩ chuyên khoa xác định được sự hiện diện cũng như tình trạng viêm trong cơ thể người bệnh.

Ngoài ra còn có một số xét nghiệm máu thông thường khác nhằm tìm kiếm yếu tố dạng thấp (RF), kháng thể CCP,… hoặc kiểm tra mức độ các chất phản ứng giai đoạn cấp tính tăng cao trong điều kiện viêm. Người bị thấp khớp có yếu tố dạng thấp hay kháng thể CCP dương tính thường đang ở thể bệnh nặng, tiến triển nhanh và phức tạp.

Các thăm dò chẩn đoán hình ảnh

Kỹ thuật chẩn đoán thấp khớp phổ biến nhất là chụp X-Quang. Người bệnh sẽ được yêu cầu chụp khớp tại bàn tay, cổ tay hoặc khớp tổn thương để đánh giá sự tiến triển của bệnh. Các dấu hiệu hình ảnh cho thấy xuất hiện tình trạng thấp khớp gồm: hình bào mòn, hình hốc, hình khuyết đầu xương, hẹp khe khớp, dính khớp 1 phần hoặc hoàn toàn, mất chất khoáng đầu xương.

Chụp X - quang giúp chẩn đoán tình trạng thấp khớp
Chụp X – quang giúp chẩn đoán tình trạng thấp khớp

Bên cạnh đó, bác sĩ có thể yêu cầu siêu âm khớp hay chụp cộng hưởng từ để xác định, đánh giá tình trạng tràn dịch khớp, bào mòn xương, viêm màng hoạt dịch,… hoặc nhằm theo dõi tiến triển viêm khớp dạng thấp để trị bệnh hiệu quả.

Chẩn đoán phân biệt

Trong một số trường hợp, người bệnh có thể phải thực hiện thêm 1 số chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý như:

  • Bệnh Gout: Người bị bệnh gout khi xét nghiệm sẽ thấy xuất hiện tinh thể urat trong dịch khớp hoặc hạt tophi. Các triệu chứng lâm sàng của bệnh là biểu hiện sưng đỏ tại các khớp nhỏ và nhỡ, đau đối xứng 2 bên, tình trạng rối loạn chuyển hóa kết hợp,…
  • Thoái hóa nhiều khớp: Như khớp gối, khớp nhỏ ở tay cùng lúc. Đôi khi có thể có các hạt Heberden ở khớp ngón xa hay Bouchat ở khớp ngón gần. Không có tình trạng máu lắng hay CRP tăng cao khi xét nghiệm, yếu tố dạng thấp( FR) âm tính.
  • Thấp khớp cấp: Xét nghiệm ASLO thường cho kết quả dương tính, xuất hiện tình trạng viêm sinh học. Ngoài ra có thêm triệu chứng tim mạch đi kèm như tràn dịch màng tim, rối loạn nhịp tim,…
  • Lupus ban đỏ hệ thống: Kết quả hình ảnh chụp X-quang không có dấu hiệu bào mòn xương. Các triệu chứng của lupus ban đỏ thường có: ban cánh bướm ở mặt, rụng tóc, sốt kéo dài, nhạy cảm với ánh nắng,…
  • Xơ cứng bì toàn thể: Bệnh có những đặc trưng về da như da dày, cứng, rối loạn sắc tố,…

Điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp cần được điều trị sớm, toàn diện, tích cực, lâu dài, đồng thời theo dõi chặt chẽ diễn tiến bệnh. Hiện nay có rất nhiều phương pháp điều trị thấp khớp dựa trên từng giai đoạn bệnh, tuần tự từ ưu tiên bảo tồn không dùng thuốc, rồi mới bảo tồn kết hợp, cuối cùng là phẫu thuật can thiệp. Tôi xin nói qua về các phương pháp điều trị như sau:

Điều trị không dùng thuốc

Mục tiêu của điều trị không dùng thuốc là giảm đau sưng, cải thiện và duy trì biên độ vận động khớp, làm mạnh cơ yếu, cải thiện khả năng thăng bằng khi di chuyển, ngăn ngừa biến dạng khớp.

Biện pháp này có ý nghĩa quan trọng trong bất kỳ giai đoạn và mức độ tiến triển nào của bệnh. Tôi nói vậy là bởi, nếu bệnh ở giai đoạn nhẹ, bà con có thể áp dụng đơn lẻ để cải thiện chứng bệnh, trong trường hợp nặng hơn thì sẽ được phối kết hợp với các biện pháp điều trị chuyên sâu khác nhằm gia tăng hiệu quả chữa trị, đẩy nhanh tốc độ phục hồi. Tôi xin điểm qua một số phương pháp điều trị không dùng thuốc phổ biến hiện nay như sau:

  • Hạn chế các yếu tố gây hại xương khớp: Bà con sắp xếp thời gian nghỉ ngơi hợp lý, duy trì khớp nghỉ ở tư thế cơ năng, có thể mang nẹp nghỉ vào ban đêm để giảm sự co rút gân cơ,…
  • Vận động trị liệu: Thực hiện các vận động nhẹ nhàng hoặc các bài tập kéo giãn, vận động tự do,… nhằm ngừa dính khớp hay teo cơ, tăng lực cơ và giảm sự co cứng, nâng cao chức năng các khớp.
  • Vật lý trị liệu: Các biện pháp vật lý trị liệu chữa viêm khớp dạng thấp được sử dụng nhiều gồm có chườm lạnh, ngâm parafin hay bồn nước xoáy, châm cứu,…

Chữa viêm khớp dạng thấp bằng thuốc

Viêm khớp ở giai đoạn toàn phát tức giai đoạn tiến triển phức tạp hơn, bệnh sẽ gây ra tình trạng viêm nhiều khớp, đau sưng dữ dội, thay đổi hình dạng khớp,… Nếu không có biện pháp điều trị chuyên sâu sẽ dẫn đến những biểu hiện toàn thân và ngoài khớp, dễ xảy ra biến chứng. Lúc này, bà con nên áp dụng chữa trị bằng thuốc Đông y hoặc thuốc Tây y. Cụ thể:

Sử dụng thuốc tây là xu hướng chữa thấp khớp được ưa chuộng hiện nay
Sử dụng thuốc tây là xu hướng chữa thấp khớp được ưa chuộng hiện nay

Điều trị bằng thuốc Tây y

Thuốc Tây y có dược tính phức tạp, việc kê đơn phải dựa theo những nguyên tắc nhất định của bộ y tế và loại thuốc cụ thể. Do đó bà con chỉ nên sử dụng khi có sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Phác đồ điều trị viêm khớp dạng thấp bằng thuốc Tây thường gồm các loại thuốc sau:

  • Thuốc kháng viêm không steroid: Gồm nhóm các thuốc kháng viêm ức chế không chọn lọc (COX-1) (diclofenac, ibuprofen, naproxen…) và nhóm các thuốc kháng viêm ức chế chọn lọc (COX-2) (meloxicam, celecoxib, etoricoxib…). Các đối tượng như bệnh nhân già yếu, tiền sử bị bệnh lý dạ dày, suy gan thận, sử dụng thuốc dài ngày,… cần phối hợp chặt chẽ với bác sĩ, thực hiện theo đúng chỉ dẫn để đảm bảo an toàn, hạn chế tác dụng phụ.
  • Nhóm thuốc corticosteroid: Được chỉ định trong các đợt tiến triển và sử dụng ngắn hạn. Liệu pháp này thường dùng đường toàn thân tiêm truyền, tiêm tại chỗ hoặc uống. Một số loại thuốc thường dùng có prednisolone, methylprednisolone,…
  • Thuốc chống thấp khớp (DMARD): Thuốc có tác dụng làm chậm hoặc ngừng tiến triển của bệnh. Nguyên tắc sử dụng và kết hợp thuốc còn phụ thuộc vào mức độ bệnh cũng như tính chất của thể bệnh là thể mới mắc, thông thường hay thể kháng trị. Do đó thuốc được chia làm 2 nhóm là các DMARD kinh điển (Methotrexate (MTX), sulfasalazine (SSZ), azathioprine, leflunomide, cyclosporine,…) và các DMARD sinh học (Các thuốc ức chế TNF-α (entanercept, adalimumab, infliximab, golimumab), ức chế IL-6 (tocilizumab), ức chế IL-1 (anakira), ức chế tế bào B (rituximab),…).

Chữa thấp khớp bằng thuốc Đông y

Xét theo Đông y, bệnh được xếp vào “chứng tý”, “lịch tiết phong”, “hạc tất phong”, do 2 yếu tố chính gây nên là ngoại cảm và nội thương. 2 yếu tố này thường kết hợp với nhau để gây bệnh( chính khi cơ thể suy yếu, can thận hư suy, khí huyết bất túc,… tạo điều kiện cho các tà khí xâm nhập làm xuất hiện tình trạng đau nhức, khó vận động,…).

Luôn dựa trên cơ chế bệnh sinh chủ yếu để chữa trị cho nên khi xác định được các yếu tố gây bệnh kể trên, Đông y tập trung vào khu phong tán hàn, trừ phong thấp, thông kinh hoạt lạc, tư bổ can thận, ích khí dưỡng huyết. Nguyên tắc chung là vậy nhưng cách bốc thuốc, gia giảm liều lượng, phối kết hợp điều trị cụ thể còn phụ thuộc vào từng trường hợp bệnh nhân và nhà thuốc. Do đó bà con cần tuân thủ theo mọi hướng dẫn của lương y điều trị cho mình.

Phẫu thuật chữa viêm khớp dạng thấp

Nếu các phương pháp kể trên không thể làm chậm tiến trình viêm sưng khớp, khiến bệnh tiến triển nặng, có di chứng, phẫu thuật có thể được xem xét áp dụng. Biện pháp này có khả năng sửa chữa khớp tổn thương, khôi phục chức năng vận động cho người bệnh. Các hướng phẫu thuật viêm khớp dạng thấp phổ biến nhất hiện nay là:

Thấp khớp mức độ nghiêm trọng sẽ được chỉ định điều trị phẫu thuật
Thấp khớp mức độ nghiêm trọng sẽ được chỉ định điều trị phẫu thuật
  • Phẫu thuật nội soi rửa khớp
  • Phẫu thuật chỉnh trục
  • Sửa chữa gân
  • Thay khớp nhân tạo

Phẫu thuật vẫn tiềm ẩn những rủi ro nhất định, người bệnh cần cân nhắc và trao đổi kỹ với bác sĩ chuyên khoa. Bên cạnh đó, viêm khớp dạng thấp vốn là căn bệnh không thể chữa khỏi hoàn toàn, vì vậy sau khi phẫu thuật, tổn thương khớp vẫn có thể diễn tiến chậm. Bà con cần chú ý, việc điều trị thấp khớp bằng phẫu thuật đòi hỏi vừa phải trị bệnh, làm giảm triệu chứng, vừa phải áp dụng các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tác động xấu gây tổn thương khớp. Về biện pháp phòng ngừa thấp khớp như thế nào cho hiệu quả, tôi xin nõi rõ trong phần tiếp theo đây.

Lưu ý phòng ngừa viêm khớp dạng thấp

Dù là chưa mắc bệnh hay đang trong quá trình điều trị, việc áp dụng các biện pháp phòng ngừa nhằm hạn chế tác động tiêu cực đến xương khớp là điều vô cùng cần thiết. Theo đó, bà con cần lưu ý những vấn đề sau:

  • Hạn chế đứng hoặc ngồi quá lâu, luôn giữ tư thế thẳng. Đồng thời thường xuyên vận động, xoa bóp ở bàn tay, ngón tay và các khớp.
  • Giữ cân nặng cơ thể ở mức hợp lý để tránh gây áp lực lớn lên các khớp.
  • Hạn chế tình trạng mang vác nặng và làm việc sai tư thế( những người làm việc văn phòng, thợ may, lái xe,… cần đặc biệt chú ý), dành thời gian nghỉ ngơi hợp lý, vận động sau 1 – 2h làm việc.
  • Đi khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt là những đối tượng người già, người có tiền sử về bệnh xương khớp, phụ nữ từ tuổi 30-50 tuổi.
  • Dinh dưỡng đủ chất, đặc biệt tăng cường bổ sung các thực phẩm giàu omega-3( cá hồi, cá ngừ, cá trích, cá thu, Hạt chia, hạt lanh, quả óc chó,…), vitamin A, C và E, và selen( Các loại quả mọng, rau bina, đậu thận, hồ đào, socola đen,…), chất xơ, flavonoid( nho, trà xanh, bông cải xanh, việt quất, dâu tây,…).
  • Tập thể dục thường xuyên, nhẹ nhàng để tăng lực cơ, hạn chế sự xơ cứng các khớp, nâng cao sức đề kháng cho cơ thể

Trên đây là những thông tin cơ bản về bệnh lý thấp khớp. Hy vọng có thể giúp bà con có cái nhìn tổng quan nhất về triệu chứng, nguyên nhân, cách phòng chữa bệnh hiệu quả, để từ đó có thể chủ động bảo vệ tốt nhất cho bản thân mình.

Đừng Bỏ Lỡ:

Đánh giá bài viết

5/5 - (1 bình chọn)

Lương y Đỗ Minh Tuấn

Tôi là Đỗ Minh Tuấn, thầy thuốc y học cổ truyền. Tôi thích đọc sách, thích trồng cây, thích tìm hiểu về cây thuốc và kiến thức YHCT. Cảm ơn bạn đã ghé thăm blog của tôi. Tôi rất mong đọc được các bình luận góp ý từ các bạn
Bệnh viêm đa khớp ngày càng trở nên phổ biến và xuất hiện nhiều ở người trẻ

Viêm Đa Khớp Là Gì: Nguyên Nhân, Dấu Hiệu Và Cách Chữa

Viêm Đa Khớp Là Gì: Nguyên Nhân, Dấu Hiệu Và Cách Chữa

Đau nhức xương khớp đang ngày càng trở nên phổ biến hơn

Viêm Khớp: Nguyên Nhân, Triệu Chứng Và Cách Khắc Phục Tốt Nhất

Viêm Khớp: Nguyên Nhân, Triệu Chứng Và Cách Khắc Phục Tốt Nhất

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Bạn hỏi
Tôi giải đáp

1000 câu hỏi từ bạn - 1001 câu trả lời từ tôi

Zalo
Chia sẻ
Bỏ qua